Ida Hyde – nhà khoa học nữ đầu tiên của môn sinh lý học

Ida Hyde - nhà khoa học nữ đầu tiên của môn sinh lý họcTrong những năm đầu thế kỷ 20, khi các nhà sinh vật học mới bắt đầu tìm hiểu về các phản ứng hoá học xảy ra trong tế bào, thì Ida Hyde đã phát minh một dụng cụ nghiên cứu tế bào cơ và não qua các điện cực siêu nhỏ. Đây là một thành tựu quan trọng mở ra bước ngoặt mới trong y học.

Năm 1870, ở tuổi thiếu niên, Hyde lao động phụ giúp gia đình, rồi học nghề và làm việc tại một xưởng may quần áo ở Chicago (Mỹ). Mặc cho sự phản đối của gia đình, Hyde vẫn mơ ước được đặt chân vào một học viện chứ không cam chịu số phận của một phụ nữ thời đó: học ít, lo việc nhà là chính. Sau nhiều năm tranh thủ theo học lớp đêm, Hyde được tuyển vào Đại học Cornell. Bà tốt nghiệp đại học môn sinh năm 1891 và được làm việc tại Viện nghiên cứu sinh học biển Woods Hole.

Sự quan tâm của giới khoa học quốc tế đối với nhà khoa học trẻ tuổi này bắt đầu từ khi công trình nghiên cứu về phôi loài bạch tuộc của bà tạo ra một cuộc tranh cãi giữa hai nhà sinh vật học châu Âu. Điều này tạo ra thuận lợi cho Hyde được phép đến Đại học Heidelberg (Đức). Vì là một phụ nữ, Hyde không được phép tham dự một số bài giảng và phải học qua ghi chép của các học viên khác. Đến năm 1896, khi trở về Mỹ, bà là nhà nghiên cứu nữ đầu tiên của Đại học Y khoa Harvard (Mỹ). Nghiên cứu của Hyde gây được sự chú ý của hiệu trưởng Đại học Kansas. Ông nhờ Hyde đứng ra thành lập khoa sinh lý học của trường.

Trong thời gian Hyde được bổ nhiệm làm giảng viên chính thức, bà nghiên cứu về hệ thần kinh, hệ tuần hoàn và hệ hô hấp ở các sinh vật, từ châu chấu đến con người. Do quan tâm nhiều đến sức khoẻ cộng đồng và việc giáo dục phụ nữ, bà cũng đi khắp vùng Trung Tây để diễn thuyết về tác hại của những căn bệnh truyền qua đường quan hệ tình dục.

Năm 1918, Hyde đạt được những thành tựu khoa học quan trọng vào giai đoạn cuối của sự nghiệp. Trong khi nghiên cứu các bộ phận đơn bào, bà phát minh ra một dụng cụ có thể tiêm, chuyển đi các chất từ những tế bào riêng lẻ, đồng thời kích thích điện vào các tế bào. Theo một báo cáo của Hyde vào năm 1921, về mặt kỹ thuật, đó là một cuộc cách mạng về sinh lý học, các điện cực siêu nhỏ rất có tác dụng để điều chỉnh máy xung lực kích điện cho não. 20 năm sau, điện cực siêu nhỏ này được Judith Graham và Ralph Gerard thuộc Đại học Chicago (Mỹ) một lần nữa “chế tạo ra”. Họ hầu như không hề biết rằng sáng chế này từng được Hyde phát minh trước đó.

Mặc dù Hyde không được biết đến như một nhà sáng chế, bà vẫn được hậu thế biết đến qua một quỹ tài trợ do bà sáng lập, nhằm tạo cơ hội cho các phụ nữ trong bộ môn sinh học được phát triển. Hiện nay Đại học Kansas đang quản lý quỹ này và thực hiện nguyện vọng của Hyde là trao học bổng cho các nữ khoa học gia, sinh viên xuất sắc.

Tài Hoa Trẻ (theo Technology Review)

Theo VnExpress